Sáng 23/03/2023, ông Hoàng Đức Vượng – đại diện Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam và Công ty Cổ phần VietCycle đã tham gia lắng nghe các đề xuất và đóng góp ý kiến tại Hội thảo tham vấn xây dựng định mức chi phí tái chế và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.
Ông Hoàng Đức Vượng tham gia chia sẻ và đóng góp ý kiến về Fs
Theo khoản 2 Điều 81 nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu (gọi tắt là Fs) trong năm 2023.
Trước dự thảo Quyết định trên, Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng định mức chi phí tái chế và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì tại khách sạn Melia Hà Nội.
Ảnh Ban chủ tọa lắng nghe ý kiến tại Hội thảo
Cùng tham gia trao đổi, góp ý tại hội thảo, ông Hoàng Đức Vượng đại diện Chi hội Nhựa tái sinh và Công ty Cổ phần VietCycle chia sẻ: “Trước hết, tôi xin cảm ơn ban soạn thảo đã tiếp thu khá nhiều ý kiến của chúng tôi trong buổi hội thảo trước. Đặc biệt là việc đơn giản hóa danh mục sản phẩm. Tôi cũng nhận thấy phần trình bày của các bên đã rõ nét về phí Fs. Xin cảm ơn anh Quảng và các bên trình bày.”
Ngoài ra, đối với ngành tái chế nhựa, ông Vượng đưa ra 4 góp ý trực tiếp về phí Fs như sau:
- Cần có thêm hệ số tưởng thưởng cho những nhà sản xuất, nhà nhập khẩu – các doanh nghiệp đã có các thiết kế bao bì sinh thái giúp giảm tải hoặc hỗ trợ tốt hơn cho công đoạn thu gom, tái chế
- Cũng cần thêm phần khuyến khích cho các doanh nghiệp và nhà sản xuất sử dụng sản phẩm tái chế hoặc các sản phẩm có ít nhất 30 – 50% vật liệu tái sinh. Phần thưởng cho các đơn vị sử dụng hạt nhựa tái sinh hoặc các vật liệu tái sinh sẽ giúp khép kín vòng tuần hoàn.
- Các nhà sản xuất có nhiều lựa chọn và có thể thuê các bên tái chế theo phương thức đấu thầu. Tuy nhiên, phương thức này tiềm ẩn một số rủi ro về giá thành và chất lượng bảo vệ môi trường (xu hướng giảm giá trong đấu thầu có thể ảnh hưởng đến các tiêu chí bảo vệ môi trường). Do đó, tôi kiến nghị dù có đấu thấu thì vẫn không được dưới 70% phí tái chế do Thủ tướng phê duyệt.
- Đầu vào cho tái chế của chúng ta chưa được minh bạch vì đa phần thu gom, tái chế hiện ở hệ thống phi chính thức. Vậy để minh bạch thì phí Fs cần tính đến sự hỗ trợ 10% phí VAT khai báo ban đầu. Nếu phí Fs còn nhỏ hơn phí VAT thì sẽ rất khó khăn.
Các đề xuất này cũng nhận được sự đồng thuận và ghi nhận từ PGS.TS. Nguyễn Đức Quảng, Đại học Bách khoa Hà Nội – đại diện nhóm chuyên gia tư vấn, TH.S Hứa Phú Doãn – đại diện Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam. Đặc biệt, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT) cũng cảm ơn và ghi nhận trong phần kết luận hội thảo. Ông Hùng cho biết sẽ cùng ban soạn thảo tổng hợp các đề xuất về Fs để tiếp tục điều chỉnh và lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Theo quy định của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP thì trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu chọn đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì thì số tiền đóng góp được tính theo công thức: F = R x V x Fs
F là tổng số tiền mà nhà sản xuất, nhập khẩu phải nộp theo từng loại sản phẩm, bao bì (đơn vị tính: đồng).
R là tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại sản phẩm, bao bì (đơn vị tính: %).
V là khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất, nhập khẩu (đơn vị tính: kg).
Fs là định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì, bao gồm chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu (đơn vị tính: đồng/kg).
Ảnh đề xuất định mức chi phí tái chế của một số sản phẩm, bao bì trình bày tại hội thảo
Tài liệu hội thảo tại đây