Cơ chế chia sẻ lợi ích cho các bên, giữa những người làm nghề đồng nát, ve chai và các công ty tái chế, đang mở rộng khi EPR được thực thi.
TIN LIÊN QUAN
Bây giờ, chị Hiền đã qua tuổi 40, nhưng vẫn làm nghề đồng nát. Hơn mười năm qua, mỗi ngày hơn 10 tiếng đồng hồ, chị rong ruổi khắp phố phường Hà Nội để thu gom phế liệu, bán lại cho đầu mối. Mức thu nhập vỏn vẹn 6 – 7 triệu đồng, tạm đủ đắp đổi qua ngày.
Năm 2020, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) chính thức có hiệu lực, với kỳ vọng các chính sách bảo vệ môi trường sẽ được thực thi, dựa trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, thể hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).
Nhưng đến nay, ngành công nghiệp tái chế vẫn manh mún, lạc hậu suốt hơn 40 năm qua, không được hỗ trợ chính sách. Nhiều doanh nghiệp tái chế đang rất khó khăn, lúng túng trong đầu tư công nghệ, đổi mới quy trình xử lý rác thải, đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên và môi trường.
Một số giải pháp thu gom bao bì, sản phẩm sau sử dụng như các chương trình thu cũ đổi mới, đặt cọc hoàn trả bao bì hay ứng dụng di động thu gom rác đang được doanh nghiệp triển khai nhưng chưa đem lại hiệu quả cao, tồm tại tình trạng rác thải bừa bãi, chưa được phân loại tại nguồn.
Nghề “ráo mồ hôi, hết tiền”
Chị Hiền, như hàng triệu người, phần lớn là phụ nữ, sinh kế nhờ thu gom phế liệu. Trên thực tế, lao động làm chính thức làm việc trong lĩnh vực này có thể tương đương số lượng nhân lực của ngành dệt may, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Công ty CP VietCycle, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh, ước tính.
“Ráo mồ hôi, hết tiền”, ông Vượng nói một cách chính xác về những người thu gom phế liệu. Họ không được hưởng các dịch vụ an sinh, dù ở mức tối thiểu, cũng như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.
Áp lực đô thị hóa, khi ruộng đất trở thành nhà máy, khu công nghiệp, đã đẩy nhiều nông dân vào tình trạng mất việc làm, dẫn đến gia tăng số lượng người làm nghề đồng nát – hợp phần quan trọng đóng góp vào lộ trình phát triển ngành công nghiệp tái chế, ngành mũi nhọn của mô hình kinh tế tuần hoàn.
San sẻ lợi ích
Thời điểm này, việc EPR được thực thi, bước đầu tiên để xây dựng ngành công nghiệp tái chế hiện đại, đạt chuẩn nhờ vào nguồn lực từ các nhà sản xuất, nhập khẩu. Thành lập hệ sinh thái XanhNét quy tụ những đơn vị cung cấp giải pháp thu gom, tái chế chất thải, ông Vượng chia sẻ.
Theo Vụ Pháp chế của Bộ Tài nguyên và môi trường, mức phí EPR đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường cao hơn so với chi phí thu gom, tái chế cũng sẽ khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện nghĩa vụ thu gom, tái chế, đầu tư thay đổi công nghê, thiết kế sản phẩm theo hướng giảm thiểu chất thải phát sinh.
Cơ hội để người thu gom phế liệu được hưởng phúc lợi xã hội đang mở rộng. Ông Vượng cho biết, “minh bạch là yếu tố cần thiết” để đảm bảo thực thi hiệu quả và tận dụng lợi ích từ công cụ chính sách EPR trong ngắn hạn, tính toán những giá trị cao hơn, chẳng hạn như xây dựng hệ thống tín chỉ nhựa, trong dài hạn.
Chủ tịch VietCycle kêu gọi các đầu mối thu gom, đăng ký hộ kinh doanh để minh bạch hóa các giao dịch phế liệu. “Chúng tôi sẵn sàng chịu phần thuế 1,5% thay cho các vựa phế liệu nếu đăng ký hộ kinh doanh”, ông Vượng nói.
Trên thực tế, việc thực thi EPR không thể thiếu vai trò của đồng nát, ve chai. Đây là lực lượng góp phần chính đưa những phế liệu có giá trị tới tay nhà tái chế, theo Tiến sĩ Lại Văn Mạnh, Trưởng ban kinh tế tài nguyên và môi trường, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE).
Hiện nay, một số doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai EPR. Thời gian này, Suntory Pepsico Việt Nam và Nhất Hoàng Gia đang tập trung vào hoạt động tập huấn, nâng cao năng lực và hỗ trợ người thu gom rác thải phi chính thức.
Trao đổi với TheLEADER, bà Ngô Nữ Huyền Trang, Trưởng Ban truyền thông Suntory Pepsico Việt Nam, cho biết, công ty đang kết hợp hai giải pháp: ủy quyền cho tổ chức đại diện và hợp tác với Công ty Thương mại dịch vụ Nhất Hoàng Gia để thu gom, tái chế chất thải.
Nguồn: https://theleader.vn/tro-luc-moi-cho-dong-nat-ve-chai-d36696.html?gidzl=EnzzV88Q-ma-07fuWm3y23u7V7sV0FjOTGqgB9mEh5nt2ImlpWYfMIC4Atd90AC7Sr4ZTMEFDB16XX_q2m