/
/
[TheLEADER] Tương lai mới cho người thu gom phế liệu

[TheLEADER] Tương lai mới cho người thu gom phế liệu

Người thu gom phế liệu, mắt xích quan trọng trong chuỗi tái chế, đứng trước cơ hội nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh thông qua sự hỗ trợ của VietCycle và Unilever Việt Nam.

“Cất tiếng rao xuôi ngược mọi nẻo đường

Cứ lặng lẽ trong sương chiều nắng sớm…”

Trích bài thơ Nghề lượm ve chai của tác giả Trần Thị Hằng, một “chiến binh xanh”.

Cô Bình năm nay gần 70 tuổi, có đến gần 60 năm gắn bó với thu gom phế liệu, ve chai. Thu gom đồng nát đối với cô là nghề “cha ông để lại”.

“Tôi sinh ra tại vùng quê nơi đàn ông thì đi sửa khóa còn đàn bà đi lượm ve chai”, cô Bình tâm sự tại “Lễ tôn vinh những chiến binh xanh: Tiếp bước tương lai – văn minh với rác” do VietCycle và Unilever Việt Nam phối hợp tổ chức.

Có hàng triệu người như cô Bình, đại đa số là phụ nữ, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, đang ngày đêm rong ruổi khắp phố phường, ngõ hẻm để nhặt nhạnh, thu gom những thứ bị người đời vứt bỏ. Làm công việc nặng nhọc để đổi lấy mức thu nhập bấp bênh, người thu gom phế liệu, ve chai hầu như không được hưởng các chính sách an sinh xã hội.

Những chiến binh xanh đọc bài thơ gửi tới VietCycle và Unilever.

Khó khăn, vất vả, quanh năm làm bạn với rác, người hành nghề ve chai luôn cảm thấy mặc cảm, tự ti, dù cho công việc của họ đóng vai trò rất quan trọng. Nhờ lực lượng thầm lặng ấy, các loại phế liệu có giá trị được chuyển về làng nghề tái chế, tiếp tục vòng đời mới thay vì kết thúc ở bãi chôn lấp hay lò đốt rác.

“Đồng nát, ve chai là mắt xích quan trọng trong nền kinh tế tuần hoàn nhựa”, bà Lê Thị Hồng Nhi, Phó tổng giám đốc truyền thông, đối ngoại và phát triển bền vững của Unilever Việt Nam, cho biết.

Trở thành những chiến binh xanh

Âm thầm chịu đựng những mệt nhọc, tủi hổ của nghề “nhặt rác cho đời”, đến khi sắp bước sang tuổi “xưa nay hiếm”, cô Bình chợt cảm thấy sung sướng.

“Cực nhọc, tủi khổ nhưng giờ mới thấy sướng vì được công ty tài trợ, quan tâm”, người phụ nữ hành nghề ve chai từ khi còn học lớp 4 cho biết.

Cô Bình là một trong số hơn 3 nghìn người đồng nát, ve chai, còn được gọi là những “chiến binh xanh” trong mạng lưới của dự án The Plastic Reborn do VietCycle và Unilever Việt Nam phối hợp thực hiện kể từ năm 2021.

Tham gia vào mạng lưới, những chiến binh xanh được hỗ trợ trang thiết bị bảo hộ lao động, hướng dẫn phân loại phế liệu, tập huấn về đảm bảo an toàn khi hành nghề, được nhận những phần quà nhỏ nhưng mang nhiều ý nghĩa, từ xà phòng, dầu gội cho đến chiếc áo phản quang có túi trong, túi ngoài để cất tiến bạc, điện thoại, tiện cho một chuyến đi thu lượm ve chai cả ngày trời.

Những chiến binh xanh trong mạng lưới của VietCycle và Unilever Việt Nam.

Một mục tiêu quan trọng của dự án là cung cấp bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho những người đồng nát, ve chai. Bởi, theo ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch VietCycle, với mức thu nhập bấp bênh, nếu không được hưởng những bảo hiểm cơ bản, nghề ve chai có thể gói gọn trong câu nói “ráo mồ hôi là hết tiền, cứ ốm đau là chết”.

Có sự hỗ trợ của VietCycle và Unilever, cuộc sống của các chị, các cô đồng nát phần nào được cải thiện. Tuy nhiên, ý nghĩa hơn cả là những người phụ nữ thầm lặng làm sạch cho đời đang dần tìm lại được niềm tin, niềm tự hào về nghề, về những giá trị tích cực mà họ đem lại cho môi trường, xã hội.

“Tôi xin thay mặt

Những chiến binh xanh

Xin được cảm ơn

Tập thể cá nhân

Cùng anh Đức Vượng

Đã giúp chúng tôi

Có thêm động lực

Về nghề ve chai

Hồi sinh rác thải”.

Trích bài thơ Ve vẻ vè ve, cái nghề rác thải do một chiến binh xanh gửi tới VietCycle.

Xây dựng hệ sinh thái

Thiết lập mạng lưới, hỗ trợ người đồng nát, ve chai và trân trọng gọi họ là chiến binh xanh là cách ông Vượng cùng đội ngũ VietCycle thể hiện tấm lòng của những nhà tái chế có trên dưới 20 năm kinh nghiệm, cũng là bước đầu để thực hiện ước vọng lớn lao hơn: xây dựng ngành công nghiệp tái chế bài bản và đạt chuẩn.

Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch VietCycle.

Hệ sinh thái tuần hoàn XanhNét, được phát triển từ nền tảng là dự án The Plastic Reborn, theo ông Vượng, sẽ bao gồm một chuỗi giá trị từ thu gom, phân loại cho đến tái chế.

Minh bạch là giá trị quan trọng được XanhNét hướng đến, thông qua thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và chứng minh nguồn gốc của phế liệu. Cùng với đó, các hoạt động của chuỗi được giám sát kỹ lưỡng, đảm bảo tái chế đạt chuẩn chất lượng, không gây hại đến môi trường.

Những giá trị đó mang tính cốt lõi để XanhNét tận dụng những cơ hội từ công cụ chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

Chính thức thực thi từ năm 2024, EPR yêu cầu nhà sản xuất, nhập khẩu phải chịu trách nhiệm thu gom, tái chế rác thải phát sinh từ sản phẩm của mình, đồng thời có cơ chế hỗ trợ những đơn vị, tổ chức tái chế đạt chuẩn chất lượng.

Ông Vượng cho biết, VietCycle đã và đang ký kết hợp tác với một số doanh nghiệp, hiệp hội ngành nước giải khát và điện tử về thực thi EPR. Đó là những cơ hội hiện hữu cho hệ sinh thái tuần hoàn XanhNét.

Phần tài chính nhận được từ EPR, theo ông Vượng, sẽ được chia sẻ đều cho chuỗi giá trị và chắc chắn góp phần tăng thêm thu nhập cho những chiến binh xanh.

Xem thêm

Kinh tế tuần hoàn
10/28/2024

[VnEconomy] Hồi sinh rác thải nhựa trong mô hình kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn
10/28/2024

[Báo mới] Hơn 3.000 lao động ve chai tham gia dự án “Hồi sinh rác thải nhựa”

Kinh tế tuần hoàn
10/28/2024

[TheLEADER] Tương lai mới cho người thu gom phế liệu

VietCycle tiên phong trong bảo vệ môi trường thông qua giảm thiểu rác thải nhựa.

Chúng tôi kêu gọi cộng đồng cùng chung tay có những hành động thiết thực, vì một Việt Nam phát triển bền vững, vì một môi trường sống lành mạnh, an toàn cho tất cả mọi người.