Xem bài viết đầy đủ tại: https://theleader.vn/nhung-chien-binh-xanh-em1697859355833.htm
Tự hào là những chiến binh xanh
Có đến hơn 30 năm làm nghề thu gom phế liệu, chị Phú lặn lội hơn 1 ngàn cây số từ TP.HCM ra Hà Nội để dự lễ tôn vinh của VietCycle. Từ khóa chị Phú nhắc tới khi nhận được hỗ trợ từ VietCycle và tham dự lễ tôn vinh là “tự tin”, một giá trị tưởng chừng đã bị vùi lấp suốt nhiều năm lam lũ với rác thải, phế liệu.
Chị Phú cho biết, nghề phế liệu thường không nhận được cái nhìn thiện cảm nên luôn phải sống trong sự tự ti và mặc cảm. Nỗi mặc cảm ấy ảnh hưởng đến cả thế hệ sau, khi không ít đứa trẻ khi đến trường đã không dám giới thiệu về nghề ve chai, phế liệu của cha mẹ mình.
“Tâm huyết của anh Vượng, của VietCycle đã giúp chúng tôi tự tin nói lên nghề của mình là một nghề đem lại lợi ích cho xã hội và là một nghề phước báu”, chị Phú bày tỏ.
Bởi lẽ, với những đóng góp thiết thực cho môi trường và xã hội, với sự cần mẫn, lam lũ lo cho gia đình, chăm chút cho tương lai của thế hệ sau, những người đồng nát, ve chai xứng đáng được ghi nhận và tôn vinh.
Nhìn những người phụ nữ lam lũ nở nụ cười thật tươi khi đón nhận những nhành hoa, những lời chúc nhân ngày lễ của phái đẹp, có lẽ ông Vượng là người vui hơn cả. Tuy nhiên, vẫn còn đó nỗi trăn trở, vẫn còn đó một chặng đường dài để ông Vượng, bà Nhi cùng những nhân sự VietCycle và Unilever Việt Nam thực hiện hóa mục tiêu “chính thức hóa” lực lượng đồng nát, ve chai.
“Chúng tôi đang xây dựng một khái niệm mới, thay đổi hoàn toàn cái nhìn của xã hội về nghề đồng nát, ve chai. Chúng tôi gọi họ đúng với ý nghĩa của nghề này, đó là chiến binh xanh. Từ nay, chúng ta hãy gọi họ là những chiến binh xanh”, Chủ tịch VietCycle nhắn gửi.