Dự án “The Plastic Reborn – Hồi sinh rác thải nhựa” được khởi xướng từ 2021. Đến nay, dự án này đã xây dựng được một hệ thống thu gom phế liệu bền vững với sự tham gia của hơn 3.000 lao động ve chai.
Unilever Việt Nam vừa phối hợp cùng VietCycle tổ chức chương trình “Lễ tôn vinh những Chiến binh xanh: Tiếp bước tương lai – Văn minh với rác” để tổng kết chặng đường của Dự án “The Plastic Reborn – Hồi sinh rác thải nhựa”.
Số liệu trong 2 năm đầu triển khai chương trình “Hồi sinh rác thải nhựa” cho thấy hơn 20.000 tấn rác thải nhựa được phân loại, thu gom và tái chế; hơn 150 cơ sở thu gom rác thải nhựa được thành lập.
Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng cộng đồng 12.700 người thu gom ve chai, xây dựng hệ thống thu gom và tái chế trên 80 nghìn tấn rác thải nhựa; giảm phát thải 152-454 triệu tấn carbon mỗi năm. Đồng thời thông qua chương trình thúc đẩy phân loại rác tại nguồn tại Hà Nội, TP.Hồ chí Minh và mở rộng các tỉnh thành trên toàn quốc.
Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định: Chương trình “Hồi sinh rác thải nhựa” là một minh chứng cho thấy sự quan tâm, ghi nhận vai trò và những đóng góp của các chị phụ nữ thu gom phế liệu trong chuỗi giá trị quản lý chất thải và cho công tác bảo vệ môi trường.
Bà Caroline Nyamayemombe, Trưởng đại diện Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam hoan nghênh sáng kiến “Plastic Reborn – Tái sinh Nhựa”. Bà Nyamayemombe cũng cho biết, dự án này không chỉ tạo ra các tác động tích cực đến môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa mà còn trao quyền cho những người ve chai.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó khoảng 0,28 triệu – 0,73 triệu tấn bị thải ra biển. Tuy nhiên, chỉ 27% lượng rác này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở và doanh nghiệp.
Đáng chú ý, theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), ước tính hơn 30% lượng rác thải tại Việt Nam được thu gom nhờ lực lượng lao động phi chính thức, mà trong đó phụ nữ chiếm phần lớn. Có thể nói, lao động nữ làm nghề ve chai, thu gom rác thải chính là những chiến binh xanh thầm lặng trực tiếp, góp phần bảo vệ môi trường.
Unilever hiện đang thúc đẩy chiến lược tuần hoàn nhựa qua hai hoạt động trụ cột là: thu gom rác thải nhựa và phát triển bao bì bền vững, hướng đến hoàn thành cam kết không phát thải đến năm 2039; đồng thời cải thiện điều kiện làm việc và cuộc sống cho lao động nữ phi chính thức về thu gom rác thải. Phong trào tái chế rác thải nhựa không chỉ cung cấp nguồn nguyên liệu nhựa cho Unilever, mà còn hướng đến mục tiêu to lớn hơn là góp phần bảo vệ môi trường, vì một Việt Nam xanh hơn.