Rác thải – nguồn tài nguyên giá trị
Theo báo cáo từ Ipsos Business Consulting vào cuối năm 2019, Việt Nam là nước có mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người cao thứ ba trong khối ASEAN (xếp sau Malaysia và Thái Lan), với 41,3 kg mỗi năm.
Lượng nhựa tiêu thụ tăng khoảng 10% mỗi năm trong giai đoạn 1990 – 2015, từ 3,8 kg lên xấp xỉ 41 kg. Ước tính cả nước tiêu thụ khoảng 4 triệu tấn nhựa.
Ở góc độ tái chế, Chủ tịch VietCycle cho rằng nếu Việt Nam có thể thu gom, tái chế lượng nhựa trên, kết hợp với phân loại rác thải tại nguồn, thì có thể tiết kiệm khoảng 3 – 4 tỷ USD mỗi năm, tương đương với mức giá trị xuất khẩu gạo.
Không chỉ vậy, ngoài nhựa, Việt Nam còn có thể tiết kiệm được thêm hàng tỷ USD nhờ vào xử lý lượng rác hữu cơ, thực phẩm, thức ăn thừa, đưa vào chế biến phân vi sinh, thức ăn chăn nuôi.
“Kinh tế tuần hoàn rất quan trọng với bất kỳ đất nước nào, nhưng những năm qua, tại Việt Nam, chúng ta mới chỉ quan tâm đến cơm ăn áo mặc, chưa quan tâm nhiều đến chất thải ra môi trường. Chính vì vậy, tính trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây”, ông Vượng nhấn mạnh tại Hội thảo tập huấn Áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn tại Việt Nam mới đây.
Cần có luật riêng về kinh tế tuần hoàn
Ông Vượng đánh giá thời gian gần đây, Việt Nam đã có những bước tiến trong chính sách khi lần đầu tiên đưa vào Luật Bảo vệ môi trường vấn đề xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Cùng với đó, nghị quyết của Đảng cũng xác định định hướng nền kinh tế Việt Nam là kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Tuy nhiên, hiện có rất ít chính sách cụ thể để triển khai các định hướng này.
Lấy hình ảnh vòng tròn các yếu tố hình thành nên kinh tế tuần hoàn, ông Vượng đề xuất năm khuyến nghị chính sách để cỗ máy này có thể vận hành được.
Thứ nhất là động cơ đẩy – trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đã được luật hóa trong Luật Bảo vệ môi trường.
Theo đó, các nhà sản xuất và nhập khẩu đều phải thu gom, tái chế bao bì, sản phẩm của doanh nghiệp mình, không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc đưa hàng hóa ra tiêu dùng như trước đây. Nếu không thể thực hiện quá trình tái chế, các doanh nghiệp này sẽ phải thuê lại các công ty khác, hoặc phải đóng tiền vào quỹ chung về tái chế.
“Nếu không có chính sách, vòng tròn này sẽ không thể chạy được. Việc luật hóa EPR mở ra cánh cửa cho tuần hoàn rác thải nhựa”, Chủ tịch VietCycle nhận định.
Trên thực tế, việc tái chế nhiều năm qua chủ yếu diễn ra ở các làng nghề, hộ gia đình với công nghệ thô sơ, không đảm bảo chất lượng đầu ra. Thiếu chính sách khuyến khích hỗ trợ khiến các doanh nghiệp tái chế rất yếu, ngành công nghiệp tái chế mãi èo uột.
Thứ hai là động cơ kéo – thị trường cho tái chế. Theo ông Vượng, thị trường cần được thể chế hóa, cần có quy định cụ thể về tỷ lệ bắt buộc sử dụng nguyên liệu tái sinh, từ đó mới có thể đưa sản phẩm tái chế vào sử dụng, tạo ra dòng tiền cho doanh nghiệp trong ngành vốn bấp bênh về tài chính.
Hình ảnh. Ông Hoàng Đức Vượng chủ tịch VietCycle
Thứ ba là nhiên liệu để chạy cỗ máy kinh tế tuần hoàn – phân loại rác thải tại nguồn.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành tái chế, ông Vượng cho biết nếu quy trình phân loại không chuẩn, nguyên liệu đầu vào sẽ bị trộn lẫn cùng các rác thải khác, dẫn đến ám mùi ngay cả khi đã ra thành phẩm, khó có thể sử dụng được.
Điều này dẫn đến yêu cầu thứ tư với hệ thống chính sách – đặt ra quy định về thiết kế sản phẩm sinh thái, phù hợp, và dễ dàng cho việc thu gom tái chế.
Thời gian qua, một số doanh nghiệp tư nhân đã thực hiện thay đổi thiết kế sản phẩm để người tiêu dùng có thể tái chế dễ dàng hơn, cũng như đặt mục tiêu 100% sản phẩm có thể tái chế trong thập kỷ tới như Nestlé, Coca-Cola, Unilever…
Tuy vậy, phần lớn các doanh nghiệp này thuộc các tập đoàn đa quốc gia, ít thấy bóng dáng của khối doanh nghiệp tư nhân trong nước, cho thấy lĩnh vực này còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cuối cùng, ông Vượng đề xuất cần có chính sách về tiêu dùng bền vững, khi hiện nay, pháp luật chưa có quy định về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm tái chế. Nhiều doanh nghiệp tái chế buộc phải đi xin chứng chỉ từ nước ngoài để đưa sản phẩm ra thị trường.
“Khi không có các tiêu chuẩn thì người tiêu dùng không biết đâu là sản phẩm tái chế tốt, đâu là sản phẩm an toàn. Cùng với đó, không truyền thông, giáo dục tốt về sản phẩm tiêu dùng bền vững thì không kéo dài được vòng đời sản phẩm”, ông nhấn mạnh.
Nguồn: Hoài An, The Leader